Dường như nỗi đau của gia đình nạn nhân Trần Hữu Quang ở xã Phật Tích (Tiên Du) vẫn chưa nguôi ngoai kể từ khi anh mất. Anh Trần Quang là công nhân Công ty cổ phần Hương Thịnh, khu công nghiệp Võ Cường (thành phố Bắc Ninh). Trong một lần điều khiển máy xúc đất, anh đã bị đầu máy đè vào người và cướp đi tính mạng, để lại người mẹ già cùng 2 con nhỏ trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng. Hoàn cảnh tang thương ấy còn bắt gặp ở gia đình nạn nhân Nguyễn Trọng Hợp, xã Việt Đoàn (Tiên Du), hay Nguyễn Văn Ngọc, xã Lạc Vệ (Tiên Du) và nhiều nạn nhân từ các vụ tai nạn lao động khác trên địa bàn toàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn lao động, làm chết 5 người. Đây là lời cảnh báo cho nguy cơ mất ATVSLĐ trong các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, sự hạn chế về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp thể hiện ở 2 khía cạnh: Hầu hết các chủ sử dụng lao động còn xem nhẹ vấn đề ATVSLĐ. Một mặt do tiết kiệm chi phí mà nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, huấn luyện ATVSLĐ và khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động. Mặt khác còn do chính chủ sử dụng lao động thiếu kiến thức về các quy định ATVSLĐ, nên ngay trong khâu tuyển chọn lao động vào làm việc, các doanh nghiệp không khắt khe, thậm chí còn bỏ qua việc kiểm tra kiến thức ATVSLĐ của người đến xin việc. Điều này đặc biệt xảy ra trong các doanh nghiệp ở làng nghề, hoặc cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, bản thân người lao động do trình độ nhận thức thấp nên việc hiểu biết về ATVSLĐ rất hạn chế, mơ hồ, nhiều khi bảo hộ lao động được phát nhưng không sử dụng. Chính từ những yếu tố đó khiến ATVSLĐ trong các doanh nghiệp còn nhiều vấn đề nan giải, luôn trong tình trạng báo động.
Ông Nguyễn Mậu Nghìn, Trưởng Phòng Chính sách Lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhận định: “Việc bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo hộ lao động, ATVSLĐ rất vất vả, nhiều khi phải ép buộc. Ngay trong đợt kiểm tra công tác ATVSLĐ ở các doanh nghiệp đầu năm nay cũng đã nhận được nhiều sự chống đối, không hợp tác từ phía các doanh nghiệp. Để ATVSLĐ trong các doanh nghiệp đi vào nền nếp phải tăng cường công tác tuyên truyền cũng như công tác huấn luyện kiến thức về ATVSLĐ. Đồng thời có hình thức xử phạt đích đáng đối với các doanh nghiệp không chấp hành các quy định về ATVSLĐ”. Được biết, ngành chức năng đã rất chú trọng đến công tác quản lý Nhà nước về bảo hộ lao động, ATVSLĐ. Hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ- PCCN của tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh; huấn luyện ATVSLĐ cho các doanh nghiệp ở các lĩnh vực xây dựng, sản xuất kinh doanh… Song những nỗ lực của ngành chức năng chưa thực sự phát huy tác dụng bởi các doanh nghiệp chưa nghiêm túc phối hợp, thậm chí còn không coi trọng.
Biện pháp khắc phục tình trạng mất ATVSLĐ trong các doanh nghiệp hữu hiệu nhất phải cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác tập huấn, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động. Có như vậy mới đem lại sự an toàn cũng như thành công trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nguồn tin: Báo điện tử Bắc Ninh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn